Nghệ An: Nông dân thời 4.0 bán cam nhờ livestream

Thứ năm, 29/11/2021 10:11 GMT+7
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và để theo kịp xu thế bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An đã chọn xã Đồng Thành (Yên Thành) phối hợp với doanh nghiệp đưa cam Vinh lên những sàn thương mại điện tử tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

Thích nghi với cái mới

Ông Trịnh Xuân Giáo - chủ trang trại cam Đồng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) chia sẻ với PV Báo Công Thương sau buổi livestream (phát sóng trực tiếp, một chức năng hỗ trợ bán hàng trực tuyến), dù thương hiệu cam Đồng Thành đã được nhiều người biết đến nhưng đây là lần đầu tiên các trang trại cam được tiếp cận với cách thức quảng bá bằng livestream trực tiếp. Từ chương trình này, nhiều hộ dân trồng cam hy vọng người tiêu dùng khắp nơi trên cả nước sẽ biết đến cam Vinh - cam Đồng Thành nhiều hơn.

Sáng 28/11, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An phối hợp với UBND huyện Yên Thành và DN tổ   chức livestream giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ cam Vinh. Chương trình được tổ chức trực tiếp tại vườn cam Thiên Sơn,
                                                                           xã Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An
.

Hình thức livestream giới thiệu sản phẩm không còn xa lạ, khi mà thương mại điện tử ngày càng phổ biến với người kinh doanh thành thị, thậm chí nhiều nơi còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu. Tuy nhiên, ở nông thôn, đây vẫn là sân chơi mới lạ.

Do tác động của dịch Covid-19 cùng với chi phí vận tải tăng cao nên các trang trại trồng cam cũng phải tìm kiếm các phương thức mới để bán hàng hiệu quả hơn. Khi được lựa chọn địa điểm tổ chức livestream kết nối, tiêu thụ cam Vinh, ông Giáo cùng các nhà vườn trồng cam ở xã Đồng Thành đều rất hào hứng. Điều họ mong muốn chính là thông qua kênh quảng bá, tiếp thị này mà người dân cả nước biết nhiều hơn đến thương hiệu cam Vinh. Họ luôn sẵn sàng mời người dân, khách hàng khắp nơi trong cả nước về vườn cam của mình để tham quan, kiểm chứng chất lượng sản phẩm.


Theo ông Nguyễn Văn Nam, đây được xem là một giải pháp để quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu cam Vinh, từ đó nâng cao hình ảnh, vai trò, năng lực sản xuất các sản phẩm của tỉnh, tiến tới thúc đẩy phát triển công nghệ số và                                                mở rộng giao dịch các mặt hàng nông nghiệp trên các sàn TMĐT.

Theo đại diện TT Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An, ông Nguyễn Văn Nam - để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trung tâm và doanh nghiệp đã kết hợp cùng nhau đưa các sản phẩm cam lên kênh bán hàng online, đưa sản phẩm đặc trưng vùng miền đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn.

Qua chương trình này, đơn vị mong muốn định hướng cho các trang trại, nhà vườn và cơ sở sản xuất nông sản chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, lựa chọn đúng loại hàng hóa mục tiêu, từng bước hiện đại hóa công tác sản xuất, ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị, đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu. Đặc biệt quan tâm, hướng dẫn sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP…

Về ưu điểm, người bán và người mua có thể tương tác được với nhau, được trực tiếp nhìn sản phẩm một cách chân thực vì không thể chỉnh sửa, mang lại độ tin cậy cao. Một ưu điểm của hình thức này là người mua cảm thấy tin tưởng khi họ tận mắt nhìn thấy nguồn gốc của các sản phẩm mình định mua.

Cùng nông dân vào cuộc 'chuyển đổi số'

Đây là mùa đầu tiên nông dân Đồng Thành livestream bán cam, đánh dấu bước tiến về nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tiêu thụ loại đặc sản này, mở hướng đi mới cho tiêu thụ nông sản của Nghệ An nói chung. Đó là buổi livestream vào sáng ngày 28/11 của trang trại cam Đồng Thành, thu hút khoảng hàng nghìn lượt xem. Livestream được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu cam Vinh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh các mặt hàng nông sản.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến người tiêu dùng khó có thể trực tiếp đi mua sắm, lựa chọn hàng hóa tại các địa điểm truyền thống như trước đây. Chính vì vậy, để có thể tiếp cận hiệu quả với người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nông dân đã chọn phương thức ứng dụng thương mại điện tử để có thể giới thiệu và đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng một cách an toàn và hiệu quả nhất, kể cả thị trường nội địa và nước ngoài.

Đằng sau câu chuyện Livestream bán các mặt hàng đặc sản còn là việc kết nối, lan tỏa, tạo ra giá trị nông sản đặc trưng của từng vùng miền.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đánh giá, chương trình đã mang một "làn gió mới" về cách kinh doanh nông sản cho địa phương, nhất là trong bối cảnh Nghệ An còn khoảng hơn 60.000 tấn cam rộ mùa. Từ nay đến năm 2030, huyện Yên Thành sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cam lên tới 700ha. Những năm nay, về phía chính quyền cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các nhà vườn, trang trại xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Huyện cũng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch cây có múi nói chung và cây cam nói riêng, từ đó xây dựng thành thương hiệu đặc trưng, được nhiều người biết đến.

Giống cam Xã Đoài lòng vàng chính thức du nhập vào địa bàn khoảng năm 2004, đến nay đã có khoảng 70 hộ dân tham gia trồng cam, với diện tích 130 ha, cho năng suất từ 20-25 tấn/ha. Dẫu vậy lâu nay người dân vẫn đang bán cam theo phương thức cũ nên gặp rất nhiều khó khăn, thông qua chương trình livestream trực tiếp nhằm quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu cam Vinh, cũng như cam Đồng Thành đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh các mặt hàng nông sản, ông Dương nói.

Giá cam tại vườn cam trên một số địa phương đang rất thấp, người nông dân bán tại vườn với mức giá 30.000- 40.000 đồng một kg. Do các chương trình giải cứu không đúng cách, càng đẩy mức giá tại vườn xuống còn 15.000, thậm chí là 20.000 đồng một kg. Nhiều chương trình hỗ trợ nông sản nổ ra với tinh thần tương thân tương ái, nhưng do các đội không hiểu rõ đặc tính sản phẩm và thị trường, thu mua hàng xô bao gồm cả hàng loại, xấu, vô tình tạo hiệu ứng ngược khi chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng không đảm bảo.

Chương trình cũng đang nghiên cứu một kế hoạch lâu dài cho việc ứng dụng livestream cho nông dân trực tiếp, Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết thêm, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng với việc thông thương hạn chế, Chương trình livestream kết nối tiêu thụ cam Vinh và đặc sản Nghệ An không ngoài mục đích hỗ trợ người dân, góp phần chuẩn hóa phương thức tiếp cận thị trường, và đón đầu xu thế giao dịch hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Sau khi được hướng dẫn, người dân có thể tự làm theo bằng cách quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch.

Nghệ An hiện có 4.735 ha cam, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 3.450 ha, sản lượng cam thu hoạch năm 2021 ước đạt 60.000 tấn. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, người sản xuất cam đầu tư áp dụng công nghệ cao, áp dụng VietGAP, GlobaGAP, bao bì, nhãn mác...đến nay, toàn tỉnh đã có 220 ha trồng cam áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; hình thành được nhiều vùng sản xuất cam VietGAP, GlobalGAP, với trên 150 ha trồng cam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin tức liên quan: