Đưa sản phẩm đặc sản và OCOP lên sàn thương mại điện tử
Xác định TMĐT là một trong những hướng đi phù hợp cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV), nhằm quảng bá và mở rộng thị trường cho các sản phẩm đặc sản, OCOP Trà Vinh trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ cộng đồng DN tiếp cận các sàn TMĐT, Dự án SME phối hợp với Sở Công Thương Trà Vinh đẩy mạnh nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến TMĐT đáp ứng nhu cầu cấp bách của DN. Đồng thời nâng cao năng lực cho DN tiếp cận với lĩnh vực TMĐT.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lâm Hữu Phúc - Giám đốc Dự án SME Trà Vinh - cho biết, trong bối cảnh Covid-19, Dự án SME vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ tài chính, nhằm tiếp sức cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Một trong những hỗ trợ kịp thời của Dự án trong giai đoạn Covid là hỗ trợ các DN tiếp cận các sàn TMĐT.
Theo đó, Dự án SME Trà Vinh đã phối hợp Sở Công Thương xây dựng chiến lược xúc tiến TMĐT giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn đầu năm 2021, Dự án đã hỗ trợ 85 DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX) tiếp cận và đưa sản phẩm đặc sản và OCOP lên các sàn TMĐT tử như: Shopee, Voso, Sendo. Điển hình là sản phẩm bánh tét Trà Cuôn của Cơ sở Bánh tét Hai Lý; tôm khô của Cơ sở Tiến Hải; các sản phẩm dầu dừa của Cơ sở Dầu dừa sạch Phương Huỳnh; các sản phẩm chế biến từ dừa sáp của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè. Và một số loại trái cây đặc sản như: Xoài cát chu, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… của các HTX Nông nghiệp Tâm Quy, HTX Xoài cát chu An Lộc, HTX Bưởi da xanh Hùng Hòa..
.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh hỗ trợ DN, cơ sở kinh doanh, HTX đưa sản phẩm đặc sản và OCOP lên sàn TMĐT, Dự án SME còn hỗ trợ DNNVV xây dựng thương hiệu nhãn hiệu. Cụ thể, Dự án phối hợp cùng các Sở ban ngành có liên quan hỗ trợ về nhãn hiệu chứng nhận, tiến đến xây dựng thương hiệu cho các HTX trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Dự án SME đang hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ và cải tiến mẫu mã sản phẩm, quảng bá tài sản trí tuệ cho 13 HTX nông thôn kiểu mới và các sản phẩm OCOP Trà Vinh như: Sản phẩm quýt đường của HTX Bình Phú, sản phẩm dừa hữu cơ của HTX Nông nghiệp Tân Thành, sản phẩm gạo Trà Cú của HTX Nông nghiệp Long Hiệp, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp Rạch Lọp….
Bên cạnh đó, Dự án SME Trà Vinh đang hỗ trợ xây dựng Cổng truy xuất nguồn gốc có đồng bộ cùng Cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Đồng thời tài trợ cho các DN, HTX và hộ kinh doanh các tem QR Code để có sự đồng bộ trên hệ thống, góp phần tạo động lực cho các DNNVV khác có thể tham khảo và tiến hành đăng ký thực hiện.
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp
Ông Lâm Hữu Phúc đánh giá, trong quá trình triển khai, Dự án SME đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao số lượng và chất lượng DN trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, số lượng DNNVV không ngừng tăng lên chiếm đến 93% số lượng DN thành lập mới, bình quân hàng năm tăng mới 366 DN.
Tính đến nay tổng số DN từ 1.730 DN và 16.720 cơ sở kinh doanh (năm 2015), đến hiện tại, đã tăng lên 3.190 DN và 22.313 cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, Dự án SME hỗ trợ Trà Vinh xây dựng được 22 chính sách góp phần vào cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư vào tỉnh. Các chính sách lớn có thể kể đến bao gồm: Kế hoạch Phát triển DNNVV giai đoạn 2018 -2020 và 2021-2025; Chiến lược Xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2025; Đề án Khởi nghiệp của tỉnh và Kế hoạch hành động phát triển Chuỗi giá trị dừa (2016-2020, 2021-2025)…
Đặc biệt, Dự án đã có nhiều hoạt động góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy việc phát triển cộng đồng DNNVV của Trà Vinh, bước đầu đã có DN khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh nư: Công ty TNHH Trà Vinh FARM, Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè, HTX Nông nghiệp Long Hiệp, Công ty TNHH Chế biến dừa trái Hùng Dương...
Bên cạnh đó, Dự án thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển kinh doanh cho các DN về xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, các hoạt động nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, các chứng nhận chất lượng, cải thiện nhãn mác bao bì, phát triển thương hiệu. Theo đó, đã có hơn 4.000 DN được hưởng lợi (tỷ lệ DN nữ đạt 33,9%); đầu tư 25 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ phục vụ các chuỗi chủ lực, mở rộng cơ hội phát triển cho DNNVV tại 13 xã, thị trấn thuộc 7 huyện thị được đầu tư với tổng mức đầu hơn 76 tỷ đồng. Trong đó, vốn dự án 59,16 tỷ đồng và vốn đối ứng của địa phương và nhân dân gần 17 tỷ đồng. Tổng số người hưởng lợi từ dự án theo thống kê ước đạt hơn 67.000 người (tỷ lệ nữ khoảng 35%, tỷ lệ dân tộc thiểu số đạt 23%).
Có thể khẳng định, chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV của Dự án SME Trà Vinh là một trong những nguồn lực tiếp sức cho các DN thời gian qua. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ cộng đồng DN nhằm đưa sản phẩm đặc sản và OCOP tiếp cận sàn TMĐT tiêu thụ sản phẩm trước và sau dịch bệnh Covid-19. Qua đó, giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đến nay, Dự án SME Trà Vinh đã tiếp cận 54 ý tưởng kinh doanh từ 50 DN tham gia. Dự án đã ký kết hợp đồng hỗ trợ cho 14 DN, hộ kinh doanh với tổng nguồn kinh phí thực hiện các kế hoạch kinh doanh là 15,67 tỷ đồng, trong đó Dự án tài trợ không hoàn lại 6,9 tỷ đồng còn lại là đối ứng của DN. |
Nguồn: Báo Công Thương