Nông sản Việt tăng doanh thu qua sàn thương mại điện tử

Thứ năm, 19/10/2021 09:10 GMT+7
Các giải pháp xúc tiến thương mại nông sản qua sàn thương mại điện tử thời gian qua đã giúp tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh khiến chuỗi cung cầu đứt gãy.

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

Theo ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, năm 2021, hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản được triển khai tập trung vào các giải pháp như: kết nối thúc đẩy tiêu thụ nông sản; Chủ động cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá của các nước; Hỗ trợ kết nối trên môi trường số nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho các địa phương. Riêng với nội dung hỗ trợ trên môi trường số và qua kênh thương mại điện tử kết nối tiêu thụ nông sản cho các thương nhân, đã có khoảng 5.200 lượt doanh nghiệp đa dạng các ngành hàng được tiếp xúc với các nhà nhập khẩu từ các thị trường thuộc 5 châu lục. Cục cũng tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế trực tuyến Vietnam Foodexpo, Triển lãm các sản phẩm thực phẩm chế biến và Halal tại Singapore, CAEXPO, CIIE... Đồng thời đưa nông sản lên các sàn TMĐT: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart Phối hợp với các địa phương: tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối tiêu thụ, hội chợ triển lãm trên môi trường số.


Trong thời gian tới, các nhóm giải pháp ngắn hạn sẽ tập trung vào: Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử. Theo đó, Cục dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt doanh nghiệp, HTX tiếp cận thông tin; Tổ chức các Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực/ theo nhóm ngành hàng (trực tiếp kết hợp trực tuyến); Quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…

Bên cạnh các giải pháp được triển khai bởi Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại-thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục Trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, do có sự chuẩn bị sớm và chủ động, các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua thương mại điện tử, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline.

Cụ thể, các chương trình thúc đẩy bán hàng nông sản, đặc sản vùng miền địa phương qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các Sàn thương mại điện tử đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các Sở Công Thương địa phương và các nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart… triển khai, tiêu biểu như như Đặc sản Sơn La, Ngày hội xứ Dừa – Bến Tre, Phiên chợ Nông sản Việt, Tuần lễ Nông sản Việt, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, Na Chi Lăng, Bưởi Phúc Trạch…


Ngoài các loại sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm OCOP, hàng nghìn tấn nông sản Xoài Mận Sơn La, Bơ Đắc Lắc, Nho Ninh Thuận, Lê Tai Nung Lào Cai, Bưởi Da xanh Bến Tre, Sầu riêng RI6 Trà Vinh, Hành tím Sóc Trăng, Vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang… đã được tổ chức tiêu thụ trên các Sàn thương mại điện tử qua các mô hình thương mại điện tử khác nhau. Riêng trong Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã có tới trên 9.000 tấn vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng cả nước thông qua các Sàn thương mại điện tử với gần 1 triệu đơn hàng (không kể các nền tảng xã hội khác). Tại chương trình này, lần đầu tiên mô hình kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử đã được triển khai hết sức hiệu quả giữa BigC/Go! với Tiki; Vinmart, Foodmap với Lazada.

Mô hình này đã nhanh chóng được nhân rộng trong thời gian qua với các hình thức kết hợp ngày càng đa dạng, linh hoạt với tình hình thức tế. Vừa qua bưởi Phúc Trạch cũng tiêu thụ trên 1.000 tấn qua các nền tảng thương mại điện tử, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con đất Hương Khê, Hà Tĩnh.

Nối liền chuỗi cung ứng trong giai đoạn giãn cách

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ thêm, vào thời điểm Thành phố Hồ chí Minh, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đã có những lúc người dân thành phố không tiếp cận được nguồn cung rau củ quả, trái cây, thực phẩm tiêu dùng, nhu yếu phẩm do các siêu thị, chợ đầu mối bị đóng cửa. Mặc dù việc vận chuyển hàng hoá, giao hàng cho người dân gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng giao hàng thương mại điện tử bị hạn chế, tuy nhiên với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổ công tác Đặc biệt của Bộ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vẫn liên tục phối hợp với các Sàn thương mại điện tử nỗ lực lên các phương án tổ chức phân phối hàng một cách phù hợp, đảm bảo tối đa lượng cung hàng hóa thiết yếu cho người dân thành phố, mặt khác vẫn đảm bảo an toàn chống dịch.

Hàng loạt các Chương trình như Đi chợ tại nhà của Sendo, Đi chợ Online Lazada, Đi chợ hộ của Voso, Thực phẩm Bình ổn của Shopee hay các chương trình khác của Tiki, Postmart và các đối tác được triển khai mạnh mẽ. Hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm được tiêu thụ mỗi ngày thông qua thương mại điện tử và chuyển phát thương mại điện tử đã góp phần “chia lửa” với các hệ thống siêu thị, hệ thống chợ bị phong tỏa giai đoạn đó. Với nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử ngày càng hiệu quả, ngay sau khi có những chuyển biến trên thị trường, hàng loạt các hệ thống siêu thị đã nhanh chóng xây dựng và phát triển các nền tảng để đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá qua kênh online trong đó có thể kể đến như BigC, Aeon, Vinmart, Saigon Coop, Lottte Mart (kết hợp với Tiki). Với các bước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ trên các kênh thương mại điện tử, kết hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy tối đa được lợi thế của các bên, tăng tính hiệu quả và tối ưu hóa được các khâu trong lưu thông hàng hoá, kết nối cung cầu và với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và đảm bảo đời sống người dân vùng dịch.

                                                                               Nguồn: Báo Công Thương

Tin tức liên quan: