Dựa trên các số liệu ghi nhận về hoạt động giao nhận hàng hóa khi thế giới trải qua đỉnh dịch Covid-19 năm 2020, Retail Gazette đưa ra dự đoán thương mại điện tử ba tháng cuối năm 2021 sẽ tăng trưởng ít nhất 10,7%. Đây được xem là đỉnh cao kỷ lục mới của ngành cũng như tín hiệu tích cực cho các nhà bán lẻ.
Song chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng và mạng lưới kho vận trên toàn cầu. Các doanh nghiệp logistics vẫn đang chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng Covid-19 suốt từ năm ngoái đến nay. Người tiêu dùng, nhà bán lẫn các sàn thương mại điện tử đã phải đối mặt tình trạng trì hoãn, hoàn trả, hủy đơn.
Nhân viên kiểm tra kho hàng tại một trung tâm phân loại của Lazada. Ảnh: Lazada Việt Nam
Năm 2020 ghi nhận 81% người tiêu dùng có trải nghiệm giao hàng không tốt, tăng gấp 5 lần so với năm trước. Cuộc khảo sát do Retail Gazette thực hiện cũng cho thấy 1/3 người đổi sang sàn thương mại điện tử khác sau trải nghiệm giao hàng tiêu cực.
Bài toán logistics giờ đây càng nan giải khi tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, từ đầu làn sóng Covid-19 thứ tư, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải đối mặt những trở ngại từ việc giãn cách xã hội, hạn chế shipper và các dịch vụ giao nhận.
Để có thể sống sót và duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng trong mùa lễ hội sắp tới, các doanh nghiệp cần sớm tìm giải pháp thiết thực, chủ động giải quyết vấn đề kho bãi và vận chuyển thời dịch.
Dưới đây là một số giải pháp tờ Retail Gazette gợi ý, dựa trên những số liệu và các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khâu vận chuyển trong thời điểm thương mại điện tử liên tục phá vỡ kỷ lục cuối năm ngoái.
Dự phòng số lượng shipper
Theo Retail Gazette, khi áp lực "chạm trán" sự thiếu chắc chắn trong hệ thống vận chuyển và số lượng nhân viên giao hàng, việc lập kế hoạch dự phòng là vấn đề cấp thiết mà các doanh nghiệp logistics cần sớm chuẩn bị và khắc phục. Vấn đề tìm kiếm nhân sự thời dịch trở nên khó khăn khi đi kèm việc phải đảm bảo các yêu cầu về tiêu chí phòng chống dịch như: tiêm hai mũi vaccine Covid-19, xét nghiệm âm tính, tuân thủ quy tắc 5K...
Một trong những cách đảm bảo số lượng shipper hiệu quả thời điểm hiện tại là gia tăng hợp tác với nhiều đơn vị vận chuyển cùng lúc thay vì chỉ tập trung vào một bên như trước. Với những doanh nghiệp có đội ngũ shipper và hệ thống kho bãi riêng biệt, cần sớm chuẩn bị các giải pháp về vận hành, tránh thiếu hụt nhân sự, đảm bảo thời gian giao nhận như đã cam kết trước đó.
Shipper Lazada Logistics xịt khử khuẩn gói hàng trước khi giao cho người nhận. Ảnh: Lazada Việt Nam
Đây cũng là phương án một số sàn thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội siết chặt tích cực áp dụng. Là một trong số ít những doanh nghiệp e-commerce sở hữu hệ thống bộ phận giao nhận riêng Lazada Logistics, sàn thương mại điện tử này không phụ thuộc quá nhiều vào các đơn vị vận chuyển khác.
Lazada có thể tự vận hành và kiểm soát đơn hàng sát sao giữa thời dịch với tỷ lệ 80% đơn do chính bộ phận logistics của sàn xử lý. Nhờ sớm có giải pháp thích nghi với tình thế hiện tại, Lazada nhanh chóng ghi nhận nhiều thành tích trong Lễ hội mua sắm 9/9 vừa qua, đạt kỷ lúc giao hàng trong vòng 30 phút kể từ khi người dùng đặt mua trên nền tảng.
Đa dạng hóa hình thức giao - nhận
Bên cạnh hình thức giao hàng truyền thống với quy trình quen thuộc gồm "nhà bán hàng - kho bãi của sàn - đơn vị vận chuyển - khách hàng", doanh nghiệp thương mại điện tử lẫn logistics cần chủ động tìm những phương án thay thế, thích nghi với thời dịch.
Sau hai năm bùng phát Covid-19, trải qua nhiều đợt bùng nổ của thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp trong ngành lẫn các nhà bán lẻ đã linh hoạt hơn với nhiều tùy chọn giao hàng. Việc luân phiên sử dụng các hình thức giao - nhận khác nhau phần nào giảm tải áp lực cho các shipper và toàn bộ hệ thống logistics.
Các giải pháp hiện được các đơn vị toàn cầu tích cực áp dụng gồm: giao trực tiếp từ cửa hàng; người nhận tự đến cửa hàng lấy; đơn vị vận chuyển tập trung hàng hóa tại bưu cục gần khu vực người nhận; và người dùng tự nhận hàng tại tủ khóa tự động nhận diện bằng AI...
Lazada là sàn thương mại điện tử duy nhất tại Việt Nam hiện tại triển khai dịch vụ nhận hàng tự động qua tủ khóa thông minh. Ảnh: Lazada Việt Nam
Metapack ghi nhận hệ thống nhận hàng tại tủ khóa thông minh trên toàn thế giới tăng trưởng 2% so với trước đại dịch, cho thấy người dùng đã dần quen với hình thức mới này. Một số người dùng cho biết hình thức này giúp họ chủ động hơn trong đại dịch và hạn chế tiếp xúc với shipper. Thêm vào đó, các tủ khóa thường nằm ở trung tâm thương mại, trạm xe, cửa hàng tiện lợi... là những nơi người dân thường lui tới trong thời điểm phong tỏa phòng dịch.
Tuy nhiên hình thức vận chuyển qua shipper vẫn được Retail Gazette dự đoán sẽ chiếm đến 79% cơ cấu phân phối hàng hóa trong dịp lễ hội mua sắm cuối năm 2021.
Ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thời gian vận chuyển cũng là yếu tố quan trọng góp phần quyết định trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên thương mại điện tử có hoàn thiện hay không. Bằng cách cải thiện hệ thống logistics thời dịch, các sàn thương mại điện tử có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc trì hoãn giao nhận, đồng thời gia tăng uy tín và tỷ lệ tái mua hàng của người tiêu dùng.
Qua những dự đoán cùng gợi ý của Retail Gazette về thị trường thương mại điện tử cuối năm 2021, có thể thấy mức tăng trưởng kỷ lục của năm ngoái hoàn toàn có thể bị phá vỡ. Dù mức độ tăng trưởng chậm lại, song vẫn đủ sức đạt đỉnh điểm cao hơn những gì ngành này làm được trong năm qua. Từ đó, thách thức với các sàn thương mại điện tử cũng lớn hơn, buộc họ phải sớm nắm bắt và có những giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo trải nghiệm giao hàng cho người tiêu dùng
Nguồn: Cục thương mại điện tử và Kinh tế số